3 cách đánh lừa bộ não để học một ngôn ngữ mới
Học một ngôn ngữ mới là điều vô cùng bổ ích và thú vị, nhưng nhiều lúc bộ não của chúng ta dường như đang tìm cách chống lại điều này.
Là một người đã học nói bốn ngôn ngữ mới từ con số 0, tôi biết rằng sẽ có những bước cụ thể bạn cần thực hiện để vượt qua tình trạng sa sút trong việc học và tăng tốc tiến bộ của bản thân.
Dưới đây là ba cách hàng đầu của tôi để đánh lừa bộ não giúp bạn học một ngôn ngữ mới nhanh hơn:
1. Tạo cảm giác cấp bách
Một biện hộ phổ biến khi học một ngôn ngữ mới là gì? Đó là không có thời gian.
Sau Sau một ngày dài làm việc hoặc học ở trường, bộ não đã phải tiếp thu một lượng lớn thông tin, nó sẽ muốn từ chối học một ngôn ngữ mới bằng mọi giá chỉ vì một lý do đơn giản – nó không muốn tiêu tốn thêm năng lượng nữa!
Vậy làm cách nào để bạn có thể chống lại điều này?
Tham gia một lớp học ngôn ngữ
Dù là lớp học Online, trực tiếp hay là một hội thảo vào Thứ bảy, hãy tham gia bất kỳ lớp nào với mục tiêu là để ai đó khiến bạn có trách nhiệm. Việc cam kết tham gia với người khác, đặc biệt là tham gia lớp học với giáo viên sẽ tạo cho bạn một áp lực vừa đủ để theo học.
Theo dõi tiến bộ.. Và chia sẻ nó
Bạn đã từng nghĩ đến việc thu âm hoặc quay video để theo dõi tiến bộ ngôn ngữ của bản thân bao giờ chưa? Bạn nghĩ sao về việc chia sẻ bài luận, một bức thư hoặc câu nói yêu thích nhất của bạn lên mạng xã hội? Luôn có một cộng đồng học ngôn ngữ lớn trên Twitter và vô số các nhóm học trên Facebook để giúp bạn chia sẻ điều đó.
Không để bộ não có cơ hội thoát khỏi ngôn ngữ
Nghe nhạc trên đường đi học hoặc đi làm, xem phim hoặc chương trình Netflix vào cuối tuần, đọc tạp chí vào bữa sáng hoặc đăng trên mạng xã hội bằng ngôn ngữ mục tiêu đều là những cách tuyệt vời để bắt đầu thực hiện việc học của bạn.
Bạn thậm chí có thể dán nhãn các đồ vật xung quanh nhà bằng các ghi chú bằng ngôn ngữ mục tiêu, để bạn tiếp xúc với từ vựng mới cả ngày. Mục tiêu là cho bộ não thông điệp rằng bạn phải sử dụng ngôn ngữ này… bởi vì nó luôn ở xung quanh bạn.
2. Cá nhân hóa việc học nhất có thể
Bộ não của chúng ta có xu hướng quên đi những thứ chúng ta không cần. Hoặc những điều chúng ta thấy không thú vị. Trên thực tế, nhiều người cho rằng mình có trí nhớ kém và không học nổi từ vựng mới, nhưng đó là điều đương nhiên khi hằng ngày não bộ phải tiếp thu lượng thông tin quá lớn.
Đó là lý do bạn phải tìm cách khiến cho não bộ tin rằng những từ mới này có ý nghĩa, cần thiết và có liên quan đến bạn.
Sử dụng hình ảnh của riêng bạn
Lần tới khi bạn tạo flashcard cho từ “dog” bằng tiếng Tây Ban Nha, Pháp hoặc Đức, hãy nhớ rằng não của bạn sẽ ghi nhớ từ này dễ hơn nếu bạn chụp ảnh thú cưng của mình vào một mặt của flashcard, thay vì chỉ sử dụng bản dịch tiếng Anh tương đương.
Để làm điều này trên điện thoại thông minh thì cực kỳ dễ dàng – hãy cài đặt một ứng dụng flashcard miễn phí như Quizlet hoặc AnkiApp rồi tải ảnh của riêng bạn lên đó.
Học cụm từ/ câu diễn đạt thay vì danh sách từ vựng đơn
Thay vì ghi nhớ một danh sách dài các từ vựng, hãy chọn những từ có liên quan đến kinh nghiệm sống, thói quen và mối quan hệ của chính bạn.
Ví dụ, khi bạn bắt đầu học một ngôn ngữ mới thì việc học từ chỉ các công việc khác nhau là bình thường. Nhưng thay vì ghi nhớ danh sách các vị trí công việc một cách ngẫu nhiên, hãy bắt đầu với công việc bạn đang làm, của các đối tác, của cha mẹ hoặc của bạn thân! Bạn có khả năng sử dụng những gì đã học nhiều hơn và do đó ghi nhớ lâu hơn.
Viết về bản thân càng sớm càng tốt
Hãy dùng các từ vựng mới để nói về cuộc sống của chính bạn, kể câu chuyện cá nhân của bạn, bày tỏ cảm xúc và quan điểm của chính bạn thay vì bám vào các ví dụ chung chung trong sách giáo khoa. Những gì bạn thấy trong sách giáo khoa chỉ là điểm khởi đầu cho việc học chứ không phải điểm kết thúc – điểm kết thúc thực sự là sử dụng ngôn ngữ đó trong cuộc sống thực theo một cách tự nhiên và hữu ích nhất.
3. Học cách mô phỏng lại hiệu quả nhất
Một số người có thể ghi nhớ toàn bộ bảng động từ tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha mà họ đã học ở trường trung học. Tuy nhiên, nếu yêu cầu họ sử dụng chúng trong ngữ cảnh hoặc áp dụng vào kể một câu chuyện… thì bạn sẽ hiểu lý do tại sao việc lặp lại chỉ đơn thuần vì mục đích lặp lại, không phải lúc nào cũng là cách học tốt nhất.
Mặc dù việc học thông qua sự lặp đi lặp lại có những lợi ích riêng, nhưng học nhồi nhét lặp lại như vậy thực không phải là cách học hiệu quả.
Làm quen với phương pháp học lặp lại ngắt quãng
Trong cuốn sách Fluent Forever: How to Learn Any Language and Never Forget It, tác giả Gabriel Wyner thông thạo nhiều thứ tiếng đã giới thiệu về phương pháp học lặp lại ngắt quãng để học một ngôn ngữ mới. Thay vì nhồi nhét kiến thức và sau đó không bao giờ xem lại tài liệu, hãy đặt mục tiêu thỉnh thoảng ôn lại từ vựng, với khoảng cách thời gian giữa hai lần lặp lại lâu hơn sau mỗi lần ôn lại.
Mục đích là để não bộ của bạn tiếp xúc với ngôn ngữ ngay khi sắp quên đi nó. Như Wyner nói, “Trong khoảng thời gian 4 tháng, nếu học 30 phút mỗi ngày, bạn có thể học và ôn lại 3600 thẻ từ với độ chính xác từ 90 đến 95%”.
Kết hợp học với hình ảnh nhiều hơn
Bạn còn nhớ chúng ta đã đề cập đến việc cá nhân hóa việc học bằng việc dùng hình ảnh cá nhân trong flashcard không?
Việc sử dụng hình ảnh cá nhân không chỉ giúp bộ não của bạn ghi nhớ mọi thứ tốt hơn, mà ngay cả hành động tìm kiếm một từ mới trên Google Hình ảnh và lưu nó để sử dụng cho Flashcard có thể giúp cho việc ghi nhớ tốt hơn. Hãy thử tạo và dùng các thẻ flashcard bằng những hình ảnh vui nhộn, những địa điểm bạn biết, kỳ nghỉ của gia đình hoặc khuôn mặt của những người thân yêu xem. Bạn chắc chắn sẽ nhớ những từ đó tốt hơn sau một số lần ôn lại hơn là chỉ sử dụng các từ đơn đó!
Lặp lại và thực hành ngay những gì bạn vừa học
Việc ghi nhớ lại danh sách các động từ không giống như việc biết cách áp dụng chúng, và bộ não của chúng ta có khả năng nhớ mọi thứ nhiều hơn khi chúng được sử dụng trong các cuộc trò chuyện thực tế.
Áp dụng những gì bạn đã học được bằng cách nói chuyện với giáo viên, bạn cùng lớp hoặc một nhóm người, là rất quan trọng, bởi những phần thưởng bên ngoài sẽ là động lực giúp ta duy trì việc học. Bạn cũng có thể thực hành đặt 10 câu mới cho một từ vựng bạn vừa học – việc lặp lại từ vào nhiều ngữ cảnh khác nhau không chỉ giúp bạn ghi nhớ mà còn giúp hiểu hơn về những gì bạn vừa học.