GO Blog | EF Blog Vietnam
Thông tin mới nhất về du lịch, ngôn ngữ và văn hóa từ EF Education First
Menu

10 mẹo để có bài thuyết trình ấn tượng

10 mẹo để có bài thuyết trình ấn tượng

Dù bạn đã đi làm, đang thực tập hay còn ngồi ở ghế nhà trường thì việc thuyết trình bằng tiếng nước ngoài luôn là một thử thách không nhỏ. 10 bí quyết thuyết trình dựa trên kinh nghiệm của một giáo viên dạy tiếng Anh dưới đây sẽ góp phần giúp kỹ năng nói ngoại ngữ trước công chúng của bạn được nâng lên một tầm cao mới.

  1. Sử dụng khoảng lặng cần thiết

Sự yên lặng thường khiến mọi người cảm thấy ngột ngạt và ái ngại nhưng nếu bạn biết cách im lặng đúng lúc trong khi thuyết trình thì sẽ tạo hiệu quả rất tốt. Khi bạn bước lên sân khấu, mọi ánh nhìn sẽ đồng loạt đổ dồn về phía bạn nên tốt nhất bạn hãy dành ra khoảng một đến hai giây để điều chỉnh lại nhịp thở và làm quen với sự yên ắng của đám đông. Điều này sẽ góp phần khiến người nghe trông chờ vào những gì bạn sắp nói. Trong quá trình chia sẻ, sự im lặng rơi vào đúng chỗ sẽ làm tăng sự kịch tính, nhấn mạnh ý và giúp bạn hạn chế sử dụng những từ thừa như “à”, “ừm”, “kiểu”, “ờ”, vân vân.

  1. Kiểm soát ngôn ngữ hình thể

Các chuyên gia chỉ ra rằng 55% hành vi giao tiếp đều không sử dụng ngôn ngữ nói. Trong lúc thuyết trình, bạn nên cố gắng kiểm soát ngôn ngữ hình thể của mình. Chẳng hạn như đừng đi qua đi lại quá nhiều, hạn chế bấm đầu viết liên tục, tránh kéo lê chân khi di chuyển, không điều chỉnh trang phục thường xuyên, tuyệt đối đừng ngáp và không đứng chắn tầm nhìn của khán giả trước hình ảnh minh họa. Hãy cố gắng để từng cử chỉ của bạn khi thuyết trình đều được kiểm soát kỹ lưỡng.

  1. Kể một câu chuyện

Ai cũng thích được nghe và được kể những câu chuyện hấp dẫn nên bạn có thể cân nhắc bắt đầu bài thuyết trình của mình bằng cách kể một câu chuyện lay động lòng người để tạo sự đồng cảm. Câu chuyện càng mang tính cá nhân thì lại càng thuyết phục nhưng không nhất thiết đó là câu chuyện của bạn mà có thể của người khác. Câu chuyện diễn ra trong quá khứ hoặc khát vọng ở tương lai đều được, miễn là nó tạo sự thu hút ở người nghe và khiến họ chú tâm vào những gì bạn trình bày.

  1. Hình ảnh hóa

Hình ảnh có thể truyền tải thông điệp tương đương với một bài viết ngàn chữ. Hình ảnh cũng tạo ấn tượng mạnh hơn chữ viết. Một lỗi mọi người thường mắc phải khi thuyết trình là sử dụng quá nhiều chữ trong bài minh họa của mình. Nếu bạn cho khán giả thấy quá nhiều chữ thì họ sẽ chỉ lo đọc thông tin trên đó mà không chú tâm nghe những bạn trình bày. Bên cạnh đó, hình ảnh minh hoạ trực quan và sinh động cũng góp phần giúp người đọc ghi nhớ những gì bạn truyền tải tốt hơn dù đó có là thông tin thường thức, số liệu hay chuyện kể. Nếu bạn biết cách lồng ghép hình ảnh vào bài nói của mình thì khán giả sẽ dễ tiếp thu hơn.

  1. Giao tiếp bằng mắt

Giao tiếp bằng mắt là một khía cạnh khác của ngôn ngữ hình thể. Nếu bạn có sử dụng giấy ghi chú trong lúc thuyết trình thì không nên cầm đọc một mạch từ đầu tới cuối. Các ghi chú này chỉ nên gồm các từ khóa ngắn gọn để giúp bạn nhớ nội dung trình bày còn trong lúc thuyết trình thì hãy nhìn khán giả càng nhiều càng tốt.

Khi tương tác với khán giả, bạn không nên chỉ nhìn một chỗ mà hãy đảo mắt xung quanh khán phòng. Thỉnh thoảng bạn có thể dừng mắt lại ở một người rồi tiếp tục nhìn tiếp ở nơi khác. Điều này sẽ giúp buổi thuyết trình của bạn trở thành một buổi trò chuyện mang tính gần gũi và thân thiện hơn. Tránh nhìn trực tiếp quá lâu vào một cá nhân cụ thể, chẳng hạn như giáo sư, phóng viên hay ban giám khảo vì sẽ khiến đối phương cảm thấy không thoải mái.

  1. Tương tác với người nghe

Không phải ai cũng có khả năng tập trung cao độ. Một người trưởng thành trung bình chỉ có thể tập trung trong khoảng từ 8 đến 20 phút hay thậm chí thấp hơn. Vậy nên nếu bạn tạo điều kiện để khán giả vận động tay chân hay trí óc trong lúc mình thuyết trình thì sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái và chú tâm đến nội dung bạn trình bày hơn. Ví dụ như bạn có thể đặt câu hỏi để mọi người trả lời hoặc yêu cầu khán giả giơ tay bình chọn. Hoặc bạn cũng có thể yêu cầu họ nhắm mắt lại để tưởng tượng câu chuyện bạn sắp kể. Dù bạn có làm điều gì thì đừng quên tạo sự bất ngờ để khán giả không còn tâm trí để xem điện thoại hay ngủ gục mà chỉ tập trung nghe những gì bạn nói.

  1. Nói chậm nhưng chắc

Nói chậm trong lúc thuyết trình không bao giờ là dễ nhưng bạn cần phải luyện tập thói quen này ngay từ bây giờ. Nói chậm sẽ giúp bạn phát âm tròn vành rõ chữ hơn. Bạn cũng không nên quá lo lắng về cách phát âm hay ngữ pháp của mình vì chỉ cần khán giả có thể hiểu bạn đang nói gì là được. Miễn bạn cố gắng chăm chút cho nội dung bài nói của mình rõ ràng và đủ ý thì chắc chắn khán giả có thể nắm bắt được những gì bạn đang trình bày dù khả năng ngoại ngữ của bạn vẫn còn hạn chế.

  1. Càng đơn giản càng tốt

Ngoài cuối tuần và những ngày lễ thì tất cả mọi thứ trên đời đều quá dài hơn mức cho phép. Bạn thử nghĩ xem, những tiết học, buổi hội họp hay chuyến bay đều kéo dài hơn bạn mong muốn chứ không bao giờ nhanh trôi qua cả. Nếu bạn truyền tải thông tin càng dài dòng thì khán giả sẽ không thể nhớ hết được. Bạn nên chắt lọc ý tứ lại sao cho gọn nhẹ và đơn giản nhất có thể trong bài thuyết trình của mình.

  1. Chú ý vào kết bài

Kết bài của bạn cũng quan trọng không kém mở bài. Bạn có thể tự vấn rằng bạn đang muốn truyền tải thông điệp gì đến với khán giả để có thể chốt câu kết thúc bài thuyết trình của mình. Hãy cố gắng suy nghĩ sao cho câu kết này thật độc đáo để khán giả vẫn nhớ tới nó khi về đến nhà.

  1. Nói lời cảm ơn

Khán giả đã dành thời gian quý báu của họ để nghe bạn nói nên bạn đừng quên cảm ơn mọi người.

Hãy cải thiện khả năng ngôn ngữ của bạn cùng EFTìm hiểu thêm
Nhận thông tin mới nhất về du lịch, ngôn ngữ và văn hóa trong bản tin GOĐăng ký

Kiểm tra Tiếng Anh của bạn trong vài phút

Tìm hiểu thêm