10 bước đăng ký nhập học vào một trường hàng đầu ở Anh
Vương quốc Anh là nơi tọa lạc của nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới nên không có gì lạ khi nhiều sinh viên quốc tế chọn quốc gia này làm địa điểm du học. Tương tự như các đất nước khác trên thế giới, Vương quốc Anh sở hữu hệ thống tuyển sinh đại học riêng. Để hiểu rõ hơn về vùng đất này cũng như biết cách chuẩn bị để có một bộ hồ sơ nổi bật, bạn nên tham khảo 10 bước để đăng ký nhập học vào trường đại học Anh do chúng tôi tổng hợp dưới đây.
Tra cứu thông tin
Bạn bắt đầu tra cứu thông tin về trường đại học và khóa học càng sớm bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Việc cố gắng xác định lĩnh vực yêu thích của bản thân là cần thiết vì đó là cơ sở để bạn lựa chọn chương trình học phù hợp với mình. Bạn sẽ gắn bó với ngành học mình chọn trong vòng ít nhất là ba năm nên hãy chắc chắn đó là lĩnh vực bạn thực sự thích thú. Tham khảo nhiều chương trình giảng dạy và tìm đọc mọi thứ liên quan về ngành học bạn đang quan tâm là điều cần làm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Chọn trường đại học
Sau khi xác định lĩnh vực yêu thích thì bạn có thể bắt đầu cân nhắc về các trường đại học tiềm năng mình đủ khả năng nộp hồ sơ. Bạn có thể tham khảo bảng xếp hạng các trường đại học ở Vương quốc Anh nhưng đừng quá chú trọng đến những cái tên ở vị trí đầu bảng với cái mác “danh giá”. Điều bạn cần làm là tìm những trường đại học có chương trình giảng dạy đứng thứ hạng cao về ngành học mình yêu thích rồi sau đó kiểm tra lại danh tiếng của họ bằng cách đọc nhận xét của học viên.
Làm quen với hệ thống UCAS
UCAS (Universities and Colleges Admissions Service – Hệ thống tuyển sinh Đại học và Cao đẳng) phụ trách nhiệm vụ tuyển sinh đầu vào cho các trường tại Vương quốc Anh. Bạn sẽ dùng nền tảng này để nộp hồ sơ vào các chương trình học tại nhiều nhất là 5 trường đại học như mong muốn.
Sau khi đăng ký thành viên, bạn sẽ phải điền đầy đủ thông tin vào trang hồ sơ cá nhân và tuân thủ theo các bước hướng dẫn trên trang. UCAS có tính năng cho phép bạn theo dõi và cập nhật tình trạng hồ sơ của mình sau khi mọi thứ đã hoàn tất.
Chuẩn bị cho buổi phỏng vấn
Đối với những sinh viên nộp hồ sơ nhập học vào các ngành như dược, thú y, nha khoa và những khóa học tại Oxford và Cambridge, bạn nên chuẩn bị tinh thần sẽ phải tham gia vòng phỏng vấn trong quá trình tuyển sinh. Đây là cơ hội để bạn thể hiện niềm yêu thích về ngành học của mình trước ban tuyển sinh. Bạn nên chuẩn bị một số câu trả lời cho những câu hỏi khó và tốt nhất nên luyện tập đối đáp với thầy cô hoặc thành viên trong gia đình từ trước. Cách tốt nhất để chuẩn bị từ vựng cho buổi phỏng vấn là đọc sách và các bài báo liên quan đến lĩnh vực bạn yêu thích. Điều này không chỉ giúp bạn có thêm nhiều thông tin để xử lý những câu hỏi khó mà còn làm bạn tự tin hơn trong buổi phỏng vấn thực sự.
Cải thiện khả năng Anh ngữ
Các trường đại học tại Vương quốc Anh đều yêu cầu sinh viên phải đáp ứng một số điều kiện nhất định về khả năng Anh ngữ. Mỗi trường đại học tại đây sẽ có tiêu chuẩn tiếng Anh đầu vào riêng và điều bạn cần làm là phải có chứng chỉ tiếng Anh đạt đủ điểm yêu cầu đó.
Các trường đại học thường yêu cầu ứng viên nộp các chứng chỉ tiếng Anh phổ biến như Cambridge English, TOEFL hoặc IETLS để chứng minh khả năng Anh ngữ. Nếu bạn không biết mình nên thi lấy chứng chỉ tiếng Anh nào thì có thể tham khảo bài viết này. Để đạt kết quả khả quan trong một thời gian ngắn nhất, bạn có thể cân nhắc đến lựa chọn học tiếng Anh tại một quốc gia nói tiếng Anh.
Bổ sung kinh nghiệm vào hồ sơ của bạn
Tương tự như nộp hồ sơ tìm việc, nếu hồ sơ nhập học có đề cập đến những kinh nghiệm liên quan trong quá khứ thì sẽ góp phần giúp bạn tăng cơ hội được nhận vào học. Bất kể đó là kỳ thực tập ngắn hạn, khóa học vào mùa hè hay chương trình tình nguyện, miễn là ban tuyển sinh thấy bạn luôn nỗ lực hết mình để phát triển và học hỏi thì họ sẽ dành cho bạn sự ưu tiên nhất định. Những trải nghiệm được đề cập càng mới lạ thì hồ sơ của bạn sẽ càng tạo được ấn tượng tốt.
Trực tiếp đến tham quan trường đại học
Sau khi bạn đã có danh sách một số trường đại học tiềm năng, việc cần làm lúc này là lên kế hoạch tham quan các trường đó. Trực tiếp đến thăm trường sẽ giúp bạn có cái nhìn trực quan và thực tế hơn về địa điểm học tập của mình. Nếu bạn có điều kiện đến trường tham quan trực tiếp thì hãy cố gắng tiết kiệm thời gian tối đa bằng cách đến thăm nhiều trường trong một ngày.
Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện trực tiếp đến trường để tìm hiểu, nhất là các bạn sinh viên quốc tế không có nguồn tài chính dư dả. Để giải quyết tình trạng này, một số trường đại học có chương trình tham quan trực tuyến để giúp sinh viên có cái nhìn sơ lược về không gian khu học xá qua màn hình máy tính. Song song đó bạn cũng có thể đọc nhận xét của các bạn sinh viên đang học tập tại trường để tham khảo.
Đầu tư thời gian viết bài luận cá nhân (personal statement)
Bài luận cá nhân là một trong những phần khó nhất của bộ hồ sơ nhập học. Bài luận có độ dài 1 trang này thường tập trung nêu ra lý do tại sao bạn chọn khóa học này cũng như chứng minh bạn là ứng viên phù hợp. Mỗi năm các trường đại học đều nhận hàng ngàn hồ sơ nhập học nên việc có một bài luận hấp dẫn, độc đáo và đầy sức thuyết phục là điều cần thiết để hồ sơ của bạn trở nên nổi bật.
Bài luận cá nhân có vai trò quan trọng trong bộ hồ sơ nên bạn cần đầu tư nhiều tâm sức cho nó. Bạn có thể nhờ sự trợ giúp từ thầy cô, gia đình hoặc tư vấn viên để đảm bảo chất lượng và nội dung của bài luận tốt nhất có thể. Ngay cả khi bạn đã hài lòng với bản cuối cùng thì vẫn nên nhờ giáo viên đọc lại một lần nữa để rà soát lỗi.
Tìm người viết thư giới thiệu
Mọi ứng viên đều được yêu cầu gửi kèm thêm một lá thư giới thiệu được viết bởi thầy cô hoặc người giám sát. Người viết thư giới thiệu phải là nhân vật hiểu rõ bạn và có thể diễn đạt một cách chi tiết và chuẩn xác về con người bạn. Bạn nên nhờ thầy cô của mình viết thư giới thiệu vì họ là nhân vật nắm rõ nhất về năng lực cũng như thành tích học tập của bạn.
Gửi hồ sơ (đúng thời hạn)
Sau khi đã có trong tay danh sách các trường đại học tiềm năng, điểm trung bình cuối khóa, thư giới thiệu và bài luận cá nhân thì bạn có thể gửi chúng đi.
Trước khi chính thức gửi toàn bộ hồ sơ, bạn nên dành thời gian đọc lại mọi thứ một vài lần để rà soát lỗi. Muốn kỹ hơn thì bạn có thể nhờ một người khác đọc hồ sơ lần cuối trước khi gửi. Khi bạn đã cảm thấy tự tin với mọi thứ thì hãy gửi hồ sơ đi.
Bạn lưu ý thời hạn nộp hồ sơ cho các ngành dược, khoa học thú y, nha khoa và các khóa học của hai trường Oxford và Cambridge là 15 tháng 10 còn các ngành và trường khác là 15 tháng 1 hàng năm. Chúc bạn may mắn!